Những sai lầm thường thấy khi bố trí cầu thang
Theo các quan niệm về phong thủy thì nếu như cầu thang đặt đúng bị trí nó sẽ giúp cho việc luân chuyển sinh khí trong ngôi nhà được thuận lợi, khi tài lộc vào nhà sẽ được giữ lại mà không thất thoát ra ngoài.
Với những ngôi nhà ở thành phố cao từ 3 – 5 tầng thì cầu thang không chỉ đóng vai trò trong việc đi lại mà nó còn là một lối dẫn cho không khí, ánh sáng.
Việc bố trí thông thường hiện nay là thường xuyên để cầu thang ở giữa nhà rồi thiết kế nhà vệ sinh giấu ở phía dưới để tiết kiệm không gian. Thiết kế này chủ yếu dùng cho các thửa đất dài, nhà thường được ví như chia ra làm hai phần tách biệt. Còn với những mảnh đất hình vuông hoặc nằm theo thế ngang, chủ nhà thường để cầu thang chính giữa như một lối dẫn thẳng lên các tầng.
Tuy nhiên, theo tư vấn của các chuyên gia phong thủy thì việc thiết kế cầu thang cũng không thể bị xem nhẹ bởi đây là lối dẫn của các luồng sinh khí vào bên trong ngôi nhà, nếu để sai vị trí có thể nó sẽ hạn chế sức khỏe, tài lộc cho chính gia chủ?
Đặt sai vị trí phải làm thế nào?
Thông thường khi thiết kế cầu thang cho các ngôi nhà, các kiến trúc sư hoặc các chuyên gia phong thủy thường căn cứ theo mệnh ngũ hành của gia chủ để chọn hướng, chất liệu để xây dựng.
Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định về mặt vị trí, diện tích của các mảnh đất xây dựng mà hầu hết việc xây dựng cầu thang hiện nay đều tuân theo những nguyên tắc nhất định, gần như phải làm ở một vị trí đã được dựng sẵn để có thể tiết kiệm diện tích và vì thế cũng ảnh hưởng đến việc bài trí các phòng trong cả căn nhà.
Thường thì khu vực cầu thang hiện nay đang được các gia đình tận dụng để làm “giếng trời”, nơi thông không khí cho cả căn nhà. Chính vì điều này mà cầu thang chính là lối dẫn cho các luồng sinh khí, vấn đề vận mệnh tốt xấu cũng bị tác động bởi việc thiết kế cầu thang. Bên cạnh đó, việc thiết kế cầu thang đúng vị trí, đón được nhiều luồng sinh khí tốt thì sẽ giúp cho gia chủ có sức khỏe dồi dào, cuộc sống thoải mái và tài lộc cũng thuận lợi hơn.
Theo phân tích của kiến trúc sư Phạm Cương, Hội KTS Hà Nội thì hiện nay có một lỗi căn bản và cũng là lớn nhất đối với việc thiết kế cầu thang đó chính là xây dựng hướng cầu thang đối diện với cửa chính. Việc vận hành lên xuống theo hai chiều luôn diễn ra tại cầu thang và việc nó đối diện với cửa chính sẽ giúp cho việc đón nhận các luồng sinh khí được tốt hơn, nhanh hơn, mạnh hơn tuy nhiên đồng nghĩa với việc này là sự suy thoái, các luồng khí hại và các tai ương cũng kéo theo.
Theo các quan niệm về phong thủy thì nếu như cầu thang đặt đúng bị trí nó sẽ giúp cho việc luân chuyển sinh khí trong ngôi nhà được thuận lợi, khi tài lộc vào nhà sẽ được giữ lại mà không thất thoát ra ngoài. Vì vậy, cầu thang mà để đối diện cửa chính thì khó tránh khỏi việc làm cho thất thoát. Không nên bố trí cầu thang đối diện cửa để tránh hiện tượng tiền vào cửa trước rồi lại ra cửa sau.
Chính vì lí do này, với những ngôi nhà đã được thiết kế cầu thang đối diện cửa chính thì gia chủ có thể cải tạo cho phía chân cầu thang lệch hướng so với cửa chính hoặc đơn giản hơn là đặt một chậu cây tại chân để cản dòng năng lượng trong ngôi nhà thoát ra ngoài. KTS Phạm Cương phân tích kĩ hơn, ai cũng biết bản chất của cầu thang là luôn có tính vươn lên cao theo chiều tịnh tiến, những đặc trưng này thể hiện cho tính Mộc.
Trong khi đó, việc thiết kế cầu thang để ở giữa nhà, trong phong thủy người ta gọi là trung cung, nghĩa là thuộc hành Thổ mà theo thuyết ngũ hành thì Mộc khắc Thổ. Nếu lỡ phạm phải thì tốt nhất nên di chuyển cầu thang hoặc thay đổi tâm nhà bằng cách nối dài không gian sử dụng.
Bằng kinh nghiệm của mình, KTS Phạm Cương khi tư vấn hoặc sửa sang lại các ngôi nhà cho hợp phong thủy nhất là khu vực cầu thang thường sẽ khắc phục bằng cách thiết kế lại bậc cầu thang đầu tiên. Chỉ cần làm chếch hướng so với cửa chính khi nối dài thêm diện tích bậc và đặt lệch hướng đi một chút cũng có thể cải thiện được những yếu tố xấu trong việc đặt cầu thang sai vị trí.
Làm thế nào để xây cầu thang cho đúng?
Theo các quy tắc của kiến thức phong thủy thì khi xây dựng cầu thang, gia chủ cần tránh một số những đặc điểm cơ bản như cầu thang không được từ phía sau nhà đi lên, không được đâm thẳng vào bếp hoặc nhà vệ sinh ở bất cứ tầng nào vì sẽ làm cho các nguồn năng lượng hao tán hết. Một chi tiết cũng khá đặc biệt mà nhiều gia chủ đang mắc phải đó chính là việc xây dựng dựng xà nhà đè lên cầu thang.
Ngoài ra, không gian dưới gầm cầu thang vốn là nơi tối tăm, không khí tù đọng nên tránh đặt bếp ở khu vực này sẽ làm cho căn bếp không được sự thoáng đãng, sạch sẽ. Cầu thang nên thiết kế vận hành đi lên theo ngược chiều kim đồng hồ vừa thuận theo nguyên lí hoạt động, sinh hoạt của con người vừa phù hợp với nguyên tắc Phong thủy, đặc biệt là khi đi lên, tim chúng ta luôn gần với tâm của trục thang đứng sẽ giảm bớt sự mệt nhọc trong quá trình leo cầu thang.
Một lỗi căn bản nữa mà các gia đình thường hay mắc phải đó là việc làm hở cầu thang. Trong phong thủy cầu thang có hai yêu cầu quan trọng nhất là chứa và dẫn khí. Nếu như làm cầu thang hở sẽ vi phạm điều này, làm hao sinh khí, không tốt cho tài vận của gia chủ. Trong trường hợp gia chủ đã chót xây dựng như thế này thì có thể dùng gỗ ốp lại cho kín hoặc đơn giản hơn là dùng thảm để trải suốt từ trên cho xuống dưới. Khi thực hiện thêm các thao tác này, gia chủ có thể khắc phục được các lỗi như đã nêu trên.
Việc xác định số bậc của một cầu thang cũng khá quan trọng. Người ta thường lấy số bậc lẻ thay vì chọn số bậc chẵn. Xét dưới quan điểm Phong thủy, số bậc cầu thang thường được dựa trên quan điểm về 4 chữ: Sinh, bệnh, lão, tử hoặc sinh, lão, bệnh, tử. Chu kì 4n + 1 này cũng ứng với chu kì nhịp tim của con người. Có thể hiểu đơn giản là nhịp tim của con người có 4 ngăn mà sau khi đi hết 4 ngăn sẽ chuyển sang chu kì tiếp theo. Khi đặt chân lên một không gian mới vào đúng nhịp khởi đầu này thì xét về tâm sinh lí cũng như sức khỏe cũng rất hợp lí.
Độ cao và độ rộng của bậc cầu thang nên thiết kế phù hợp với nhân trắc học của con người tưc là phù hợp với bàn chân và sải chân của người Việt Nam. Kích thước thang hợp lí trong kiến trúc dân dụng: chiều cao bậc từ 150 mm, độ rộng bậc 300 mm. Thông thường kích thước này khó lòng đạt được. Chiều cao từ 160 – 185 mm, độ rộng tối thiểu phải đạt được là 270 mm là hợp lí. Đối với nhà phân lô hoặc biệt thự nên làm số lượng bậc từ tầng này lên tầng kia khoảng 21 bậc, ít nhất phải được 17 bậc. Đó là những con số đẹp theo Phong thủy.
Việc xây dựng cầu thang ở các hộ gia đình và nơi công sở cũng có những đặc điểm khác nhau. Tại các hộ gia đình, những căn nhà dùng làm nơi sinh sống, ăn ở thì nên lựa chọn gỗ hoặc đá để làm chất liệu xây dựng cầu thang, tránh việc sử dụng chất liệu bằng kim loại vì nó tạo cảm giác lạnh lẽo hỗn tạp, không ấm cúng. Trong Phong thủy thì gỗ tượng trưng cho hành Mộc, đá tượng trưng cho hành Thổ. Đây là hai chất liệu gần gũi với con người vì vậy mà gia chủ nên sử dụng để xây dựng cầu thang trong căn nhà của mình.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
Tags: cầu thang, không gian, nội thất, phong thủy, sức khỏe, xây dựng
Leave a Reply