Làm gì để tránh tổn thương lan rộng khi bị chốc mép?
Chốc mép do nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp nhất là chốc mép do virut, hay còn gọi là mụn rộp ở mép – một bệnh lành tính nhưng rất hay lây và tái phát với những tổn thương tương tự thường thấy quanh miệng hoặc quanh lỗ mũi, thậm chí trong miệng, trên má. Vậy cần làm gì để tránh tổn thương lan rộng là vô cùng quan trọng.
Chốc mép lây truyền khác với mụn rộp sinh dục nhưng virut gây 2 bệnh này rất gần nhau, đó là virut herpes. Bệnh lây truyền do tiếp xúc với tổn thương hay dịch tiết của tổn thương (ngay từ khi có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi khô vảy). Nguyên nhân thứ hai do nhiễm nấm, một loại nấm men phổ biến có tên candida albicans. Các bào tử của nấm men này có ở khắp nơi, khi cơ thể giảm sức đề kháng sẽ gây ra tình trạng viêm khóe miệng. Ngoài ra, có thể do thiếu hụt vitamin B. Khi đó, ngoài các vết nứt ở khóe miệng, sẽ còn có hiện tượng đau lưỡi. Điều này rất có thể do người bệnh không ăn đủ trái cây, rau quả và các thực phẩm nguyên cám (giàu vitamin B).
Người bị chốc mép cần rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với mụn nước.
Khi bị chốc mép cần xử trí đúng để tránh lây lan là rất quan trọng. Không gãi những tổn thương vì có thể làm cho virut lây lan tới các vị trí khác của cơ thể. Rửa tay sạch sau mỗi lần tiếp xúc với các mụn nước. Không chọc vỡ các mụn nước. Không bóc vảy.
Tránh dùng chung giường và các đồ dùng vệ sinh khác (khăn mặt, bàn chải đánh răng…) trong giai đoạn tiến triển của tổn thương. Nếu đang bị cảm, nên dùng khăn giấy và chỉ dùng một lần. Cần giữ gìn để mắt không bị nhiễm virut. Tránh dụi mắt và thực hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc vệ sinh nếu đeo kính áp tròng. Không ôm hôn trẻ sơ sinh, những người có hệ miễn dịch suy yếu vì những người này nhạy cảm với virut, đắp khăn lạnh lên chỗ đau để giảm triệu chứng.
Không có cách nào chữa khỏi hẳn khi bị nhiễm virut, có thể bôi một số thuốc chống virut để giảm bớt các triệu chứng, đôi khi còn có thể phòng ngừa được cả sự phát bệnh với điều kiện là phải bôi ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên. Thuốc hạn chế tốt cường độ và thời gian các đợt tiến triển, ngoài ra còn giúp giảm đau. Cần rất thận trọng khi ra nắng, nếu dễ bị chốc mép thì cần tránh các tia tử ngoại.
Chốc mép
Nếu bị chốc mép kéo dài, tái phát liên tục cần tới cơ sở y tế để được khám tư vấn và chỉ định dùng thuốc bôi tại chỗ (theo chỉ định của bác sĩ).
Phòng bệnh bằng cách chú ý dinh dưỡng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chú ý vệ sinh miệng sạch sẽ nhất là trước và sau khi ăn. Nên hạn chế phơi nắng, tránh tiếp xúc với người bị chốc mép.
Theo Suckhoedoisong
Tags: chốc mép, chữa chốc mép, làm gì khi bị chốc mép, mụn nước, vết nứt ở khóe miệng, viêm khóe miệng
Leave a Reply