Đâu là sự hòa hợp giữa phong thủy và thiết kế kiến trúc?
Nhưng phong thủy là một nhu cầu thực tế! Trong ngôi nhà, tùy cách xem, phương pháp riêng của từng thầy phong thủy, cùng với yêu cầu của chủ nhà (cả phạm vi và mức độ đối với công trình), có thể thấy “mẫu số chung” thường liên quan tới phong thủy.
Phong thủy là một bộ môn nghiên cứu về môi trường sống và là tổng hòa của nhiều môn khoa học khác như thiên văn học, địa lý học, lịch sử học, vật lý học, toán học, hình học, xã hội học, mỹ thuật học … Phong thủy là một phần quan trọng trong kiến trúc xây dựng nhà ở, là nghệ thuật bố cục, tổ chức các không gian sống, là nghệ thuật bài trí sắp xếp nội thất, ngoại thất.
Có rất nhiều định nghĩa và cách thức đề cập đến phong thủy. Tên gọi, khái niệm của phong thủy đã rất quen thuộc trong đời sống, không phải là một điều gì quá xa vời, cao siêu. Bài viết này tôi không đi sâu vào các vấn đề trường phái của khoa học phong thủy hay các giải pháp cụ thể của phong thủy trong kiến trúc nhà ở mà nói về mối liên hệ mang tính xã hội giữa thiết kế phong thủy và thiết kế kiến trúc.
Như quan sát của tôi (trong vòng 26 năm học tập và nghiên cứu phong thủy cùng với kinh nghiệm 16 năm làm công việc tư vấn phong thủy, thiết kế phong thủy), thì thấy khoảng hơn 10 năm trở lại đây các gia đình ở các thành phố lớn đều có sự quan tâm tới phong thủy, không ít thì nhiều trước khi xây dựng nhà cửa. Và khoảng 5 năm trở lại đây thì không phân biệt tỉnh thành, địa phương khắp vùng miền cả nước hầu như ai ai cũng quan tâm đến phong thủy.
Bây giờ làm nhà, hầu như ai cũng đều đi hỏi “thầy”? “Thầy” ở đây được hiểu không chỉ là thầy phong thủy, mà còn là những thầy tự cho là mình có kiến thức về phong thủy như pháp sư (thầy cúng), thầy xem tử vi (thầy xem số, xem vận mệnh), thầy chuyên xem ngày giờ (xem trạch nhật), thầy trước giờ chuyên xem tướng, chỉ tay và chủ nhà hỏi về vấn đề phong thủy cho ngôi nhà mình, cuộc đất của mình để xây nhà…
Thực tế, câu chuyện trên không phải mới, từ xưa vấn đề phong thủy trong xây dựng công trình, nhà ở đã được quan tâm, ở cả tầng lớp vua quan, nhà giàu quyền quý cho đến thường dân, và mức độ quan tâm cũng phân theo đẳng cấp công trình và vị thế của chủ nhân. Tuy nhiên hiện nay, mối quan tâm tới phong thủy, và yêu cầu chặt chẽ về phong thủy đã phổ biến hơn rất nhiều trong đại chúng. Mặc dù đa số những người làm nhà chưa hiểu bản chất của phong thủy là gì, nhưng cũng cứ phải tới thầy để thầy coi, để thầy phán; và mang tâm thế thụ động, tin tưởng tới mức… mù quáng.
Phong thủy là một môn khoa học, cứ hiểu theo cách như thế, thì bản thân nó là một chuyên ngành riêng, một nhánh hẹp, người hành nghề phong thủy xưa là thầy địa lý; chứ đâu phải “thầy” nào cũng có khả năng “phán” hay giải quyết vấn đề phong thủy. Nhưng nhu cầu về vấn đề này rất lớn, và trong bối cảnh kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung, nên nhiều “thầy” vốn xuất thân là thầy tướng số, tử vi, bói dạo, xem bài tây… cũng hành nghề phong thủy. Giới kĩ sư xây dựng và giới kiến trúc sư cũng phải thừa nhận rằng bây giờ Việt Nam đang “loạn” “thầy phong thủy”.
Kinh tế phát triển, mặt bằng đời sống đi lên, việc xây một ngôi nhà không phải là điều quá khó khăn nữa. Ngày càng có nhiều nhà ở tư nhân được xây dựng với quy mô lớn. Khi người chủ có tiền, họ mong muốn những điều tốt đẹp cho ngôi nhà, cho không gian sống của mình, họ đầu tư chăm chút (bằng cả tiền bạc, công sức và thời gian) cho việc xây nhà cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh việc thuê kiến trúc sư thiết kế, thuê cả nhà thầu chuyên nghiệp thi công thì một việc quan trọng nữa không thể bỏ qua đó là: xem phong thủy. Xem phong thủy trở thành thói quen, thành nếp nghĩ phổ biến, tràn lan trong việc xây dựng nói chung, từ nhà ở, công trình công cộng cho tới cả việc sắp đặt nội thất. Và phong thủy đã trở thành một yếu tố tham gia cùng câu chuyện thiết kế của nhà chuyên môn – là kiến trúc sư.
Nhiều “thầy” cũng “võ vẽ” mặt bằng, mặt đứng… để đáp ứng luôn yêu cầu cho chủ nhà trên cơ sở phong thủy mình đưa ra, nhằm đưa tới một dịch vụ từ A đến Z; còn nhiều kiến trúc sư cũng phải tìm đến những tài liệu phong thủy để nghiên cứu tìm hiểu, với mong muốn chủ động hơn trong công việc thiết kế của mình. Bởi, những tiêu chí của công trình xây dựng được ghi trong sách, trên lý thuyết thiết kế xây dựng chỉ có: bền vững, công năng, kinh tế, thẩm mỹ, hoàn toàn không đề cập tới phong thủy và các vấn đề liên quan tới phong thủy.
Nhưng phong thủy là một nhu cầu thực tế! Trong ngôi nhà, tùy cách xem, phương pháp riêng của từng thầy phong thủy, cùng với yêu cầu của chủ nhà (cả phạm vi và mức độ đối với công trình), có thể thấy “mẫu số chung” thường liên quan tới phong thủy. Đó cũng là cơ sở cho việc thiết kế kiến trúc nhằm tận dụng và phát huy lợi thế, ưu điểm; cũng như hạn chế, khắc phục, triệt tiêu những yếu tố bất lợi, gây hại:
– Bố cục các không gian, bộ phận kiến trúc
– Hướng đất, hướng nhà: đây là một trong những yếu tố mà theo quan niệm của đại đa số quần chúng nhân dân rất quan trọng và luôn là câu hỏi đầu tiên gia chủ đặt ra với thầy phong thủy. Hướng tốt hay xấu, hướng hợp hay không hợp (mệnh, tuổi chủ nhân) nhiều khi quyết định tới giải pháp quy hoạch – kiến trúc, thậm chí là cả kế hoạch dự án. Có rất nhiều trường hợp chủ nhà quyết định… không xây nữa, đơn giản chỉ vì cuộc đất không hợp hướng (nhà phố thì không thể xoay được).
– Cổng, cửa: cổng và cửa chính là những nơi quan trọng, là bộ mặt của công trình, là lối ra vào thường xuyên, liên quan đến sinh hoạt và tất nhiên là những nơi cần xem xét. Hệ thống cửa (cửa đi, cửa sổ) còn được coi là nơi dẫn khí trong công trình.
– Bể ngầm: trong công trình nhà ở gia đình, bình thường và tối thiểu là có một bể ngầm chứa nước sạch và một bể phốt chứa chất thải. Bể nước sạch được coi là yếu tố dẫn tài lộc vào (nước cấp), bể phốt là nơi chứa và xả thải chất bẩn, các yếu tố bất lợi ra khỏi nhà.
– Cầu thang: về cấu trúc không gian, cầu thang được coi là xương sống của ngôi nhà. Ở mặt khác, cầu thang được coi là hình tượng thanh long, là nơi tiến dẫn lai khí lên các tầng, là một yếu tố quan trọng trong bố cục phong thủy theo dịch học.
– Bếp: nằm trong “chuỗi hệ thống” môn – táo – chủ. Không gian bếp và vị trí, hướng bếp nấu rất có ý nghĩa trong sinh hoạt gia đình và cả tín ngưỡng. Bếp là nơi chứa yếu tố “hỏa” của ngũ hành.
– Phòng ngủ và phòng làm việc: là những không gian được mọi người cho là liên quan tới sức khỏe, hạnh phúc gia đình, sự thuận lợi trong công việc, làm ăn; thành đạt trong học tập, công danh sự nghiệp của người sử dụng.
– Phòng thờ, bàn thờ: đây là không gian truyền thống gắn liền với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng. Có thể có rất nhiều không gian mà chủ nhà không quan tâm tới vấn đề phong thủy nhưng phòng thờ, bàn thờ nhất thiết phải được xem xét thật kỹ.
Những “kiểu” cần xem xét là những cách thức, thông tin được xem xét và yêu cầu cụ thể đối với những không gian, bộ phận kiến trúc đã nêu ở trên; hai vấn đề này quan hệ chặt chẽ và không tách rời nhau.
Mỗi đối tượng đều có tiêu chí xem xét riêng, cụ thể là:
– Hướng: đối với hướng nhà, hướng cửa, hướng bếp nấu, hướng đặt bàn thờ, hướng giường ngủ, hướng cầu thang …
– Vị trí: cổng, cửa chính, các không gian sử dụng và sinh hoạt (phòng khách, phòng ngủ, bếp nấu, phòng vệ sinh…), các bộ phận công năng và kỹ thuật (cầu thang, bể ngầm, bể mái…) đặt trong tương quan với nhau và với tổng thể công trình.
– Kích thước, số lượng: cửa, bậc thang…
– Hình dáng: mặt bằng công trình, hình thức kiến trúc tổng thể, hình thức mái, các chi tiết trang trí…
– Màu sắc: tổng thể công trình hoặc các bộ phận kiến trúc tùy theo từng không gian cụ thể nhằm đạt tới yếu tố đắc lợi, phù hợp mệnh, tuổi chủ nhân (và các thành viên khác trong gia đình) trong quan hệ ngũ hành (tương sinh – tương khắc).
Xem ra, với những vấn đề cần quan tâm và các “kiểu” quan tâm như ở trên thì phong thủy quả thật là một trở ngại lớn với người thiết kế, là sự thách đố với kiến trúc sư – nếu phải giải quyết toàn diện. Gần như mọi ngóc ngách trong ngôi nhà, mọi bộ phận kiến trúc đều có những yêu cầu về phong thủy, thì việc xâu chuỗi dữ kiện để đưa ra một giải pháp khoa học kiến trúc đã là quá khó, nói gì đến sự sáng tạo? Đấy mới là mảnh ghép rời rạc, chưa kể những vô lý và mâu thuẫn giữa phong thủy với… phong thủy, giữa phong thủy với kiến trúc hay các yếu tố xã hội khác. Tất nhiên không phải chủ nhà nào cũng yêu cầu kỹ đến thế, nhưng cũng không ít chủ nhà yêu cầu… kỹ hơn và chính xác hơn – không có chỗ nào là không yêu cầu về phong thủy!
Câu chuyện phong thủy và thiết kế thường là câu chuyện các kiến trúc sư hay phàn nàn, than thở cùng nhau. Có nhiều chuyện thật mà nghe không biết cười hay mếu. Có chuyện “thầy” bắt chủ nhà phải mở cửa chính ở hông nhà chứ không được mở ra ngõ (vì không được hướng), mà nhà mặt tiền có hơn 3m và chỉ có một mặt thoáng ra ngõ; có chuyện thầy bảo phải xây 5 tầng, chứ không được xây 4 tầng vì số 4 là xấu (mà nhu cầu và tài chính của chủ nhà chỉ đủ xây 4 tầng); chuyện thầy đặt họa đồ bát quái, tính cửu cung và yêu cầu phòng này phải chỗ này, phòng kia phải chỗ kia… mà phòng vệ sinh thì đẩy ra mặt tiền, phòng khách thì sâu tít vào trong; rồi có chuyện thầy bắt tất cả nước thải phải thoát về… đằng sau nhà, mà sau nhà không có cống… Chả biết thầy “cứu giúp” như thế nào nhưng kiến trúc sư thì ngán ngẩm lắc đầu, bó tay!
Đi tìm một tiếng nói chung giữa phong thủy và chuyên môn thiết kế kiến trúc quả là khó! Ở góc độ tâm lý, ai đưa ra ý kiến, quan điểm thế nào đều cố gắng minh chứng là mình đúng; nếu bị thuyết phục hay phủ nhận đồng nghĩa với việc thừa nhận trình độ hạn chế của mình. Để có một tiếng nói chung trên tinh thần tích cực, hòa hợp, người làm phong thủy cần phải hiểu các nguyên tắc khoa học của kiến trúc – xây dựng, các nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, kể cả các vấn đề kỹ thuật hay pháp lý xây dựng liên quan. Và người làm kiến trúc không thể đặt phong thủy sang một bên mà cũng phải hiểu nó để vận dụng vào kiến trúc.
Thực tế, nhiều kiến trúc sư đã phải tìm hiểu, nghiên cứu về phong thủy để hỗ trợ tốt trong công việc chuyên môn thiết kế của mình. Khi đó, phong thủy và kiến trúc sẽ được giải quyết hợp lý, khéo léo chứ không phải là sự chắp vá, khiên cưỡng. Cũng có rất nhiều trường hợp, từ những yêu cầu về phong thủy, kiến trúc sư đã đề ra được những giải pháp, ý tưởng kiến trúc hay, sáng tạo. Trường hợp này lại là một thuận lợi trong quá trình tư vấn, thiết kế đối với chủ nhà.
Về mặt khoa học, không ai, không kiến trúc sư nào dám khẳng định phong thủy là vô lý, vô căn cứ. Về mặt xã hội thì ai cũng có một niềm tin, một tín ngưỡng của riêng mình ở mức độ nào đó. Và nhu cầu phong thủy trên thực tế cũng là mơ ước chính đáng về những điều tốt lành, cuộc sống tốt lành, không phải là điều gì xấu. Cái chính là thái độ ứng xử của mỗi người, mỗi thành phần tham gia trong câu chuyện xây nhà, dựng cửa.
Tags: kết hợp phong thủy kiến trúc, kiến trúc phong thủy, phong thủy, sự hài hòa giữa phong thủy và kiến trúc
Leave a Reply